Lịch sử hình thành và phát triển Học_viện_Hành_chính_Công_và_Kinh_tế_Quốc_dân_Nga

1921–2010: Viện Giáo sư Đỏ - Trường Cao cấp Chủ nghĩa Mác-Lênin - Học viện Khoa học Xã hội - Học viện Quản lý Nga - Học viện Hành chính Quốc gia Nga

Tháng 10 năm 1921 - Viện Giáo sư Đỏ (tiếng Nga: Институт красной профессуры) được thành lập theo Nghị quyết của Hội đồng dân ủy (Chính phủ) Liên bang Nga Xô viết nhằm đào tạo giảng viên khoa học xã hội cho các trường đại học, cũng như cán bộ cho các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan trung ương của Đảng và Nhà nước.

Năm 1938 - Đổi tên thành Trường Cao cấp Chủ nghĩa Mác-Lênin trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.

Ngày 2 tháng 8 năm 1946 - thành lập Viện Khoa học Xã hội trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Đây là cơ sở giáo dục cao cấp của Đảng đào tạo cán bộ cho các tổ chức đảng trung ương và cấp ủy địa phương, cũng như các giáo viên và nhà nghiên cứu đại học.

1978 - Học viện Khoa học Xã hội trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô được thành lập trên cơ sở ba cơ sở giáo dục đại học: Viện Khoa học Xã hội, Trường Đảng cao cấp và Trường Đảng cao cấp (hệ tại chức).

1978 - Tiến hành xây dựng khu phức hợp các tòa nhà của Học viện trên Đại lộ Vernadsky ở Moskva (trụ sở chính của Học viện hiện nay). Đến những năm 1983-1985 - giai đoạn đầu tiên của khu phức hợp mới của Học viện được đưa vào hoạt động.

Ngày 5 tháng 11 năm 1991 - theo Sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga Boris Yeltsin, Học viện Khoa học Xã hội được chuyển đổi thành Học viện Quản lý Nga (tiếng Nga: Российская академия управления). Nhiệm vụ chính của Học viện là: đào tạo, bồi dưỡng sau đại học và đào tạo nâng cao cho đội ngũ cán bộ quản lý; phát triển công nghệ mới phục vụ hành chính công; giám định khoa học các chương trình, dự án của nhà nước; nghiên cứu và dự báo nhu cầu về nhân lực quản lý; hỗ trợ phân tích và cung cấp thông tin của các cơ quan quản lý và nhà nước.

1994 - Học viện Quản lý Nga được giao quyền kiểm soát các Trung tâm đào tạo cán bộ tại các địa phương, thuộc quyền quản lý của Tổng cục Đào tạo Cán bộ Công chức thuộc Chính phủ Liên bang Nga (tiền thân là các Trường Chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô tại địa phương).

1994 - trên cơ sở Học viện Quản lý Nga, Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga được thành lập. Nhiệm vụ chính của cơ sở giáo dục mới là: giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ công chức; xây dựng các đề xuất về chính sách nhân sự nhà nước; chuẩn bị các khuyến nghị để cải cách nền công vụ và hỗ trợ pháp lý cho nó.

1995 - Thông qua Luật Liên bang "Về cơ sở của nền công vụ của Liên bang Nga", quy định các chức năng của Học viện Hành chính Quốc gia. Theo đó cán bộ, công chức phải có trình độ học vấn chuyên môn (bằng đại học) và phải tương ứng với lĩnh vực mà chức vụ của họ đảm nhiệm. Công chức được đảm bảo đào tạo chuyển đổi ngành và đào tạo nâng cao. Sau đó đội ngũ công chức trở thành những sinh viên chính của Học viện Hành chính Quốc gia Nga.

Ngày 1 tháng 3 năm 2001 - Học viện nhận được giấy phép của Bộ Giáo dục, cấp quyền hoạt động giáo dục trong 11 ngành của giáo dục đại học chuyên nghiệp, với 39 chuyên ngành khoa học, cũng như giáo dục nghề nghiệp bổ sung.

1970–2010: Viện Quản lý Kinh tế Quốc dân - Học viện Kinh tế Quốc dân

1970 - Viện Quản lý Kinh tế Quốc dân (tiếng Nga: Институт управления народным хозяйством) được thành lập. Đây là cơ sở giáo dục đại học khoa học tạo tiên tiến nhằm nâng cao bằng cấp cho lãnh đạo các cơ sở sản xuất của nền kinh tế quốc dân về phương pháp quản lý, tổ chức sản xuất và kế hoạch hóa hiện đại. Viện được thành lập trực thuộc Ủy ban Nhà nước về Khoa học và Công nghệ của Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) Liên Xô.

1977 - Trên cơ sở Viện Quản lý Kinh tế Quốc dân, một cơ sở giáo dục mới bắt đầu hoạt động - Học viện Kinh tế Quốc dân trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Mục tiêu của Học viện là nâng cao công tác đào tạo cán bộ quản lý phục vụ công tác tại các Bộ, Ban, ngành và các cơ quan quản lý nền kinh tế quốc dân.

Khi đó, học viên của trường là những thủ trưởng, chuyên gia đầu ngành của các cơ quan hành chính cấp trung ương và cộng hòa, cấp ngành và địa phương, đồng thời là người đứng đầu các đoàn thể, xí nghiệp, tổ chức lớn. Ngoài ra, Học viện Kinh tế Quốc dân còn đào tạo các nhà lãnh đạo và chuyên gia nước ngoài.

Thời hạn học thường từ 3 tháng đến 2 năm.

1988 -  tại Học viện lần đầu tiên thành lập Khoa Thương mại, mang tên - Trường Kinh doanh Quốc tế, và đây cũng là trường  đào tạo về kinh doanh đầu tiên ở Liên Xô.

1989 - Học viện do Abel Gezevich Aganbegyan - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, một trong những nhà lãnh đạo của phe cải cách khoa học kinh tế trong nước, đứng đầu.

1992 - Học viện Kinh tế Quốc dân thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô được đổi tên mới. Bây giờ nó được gọi là Học viện Kinh tế Quốc dân trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga. Học viện không chỉ trở thành "lò đào tạo" các công chức và lãnh đạo mà còn là cơ sở giáo dục đào tạo về kinh doanh, cung cấp tất cả các loại hình dịch vụ giáo dục trong lĩnh vực kinh tế, khởi nghiệp và luật pháp.

1992 - Học viện Kinh tế Quốc dân khởi xướng việc phát triển các tiêu chuẩn đào tạo MBA của Nga.

1995 - Học viện Kinh tế Quốc dân được trao một địa vị mới - một trung tâm giáo dục, phương pháp luận và khoa học hàng đầu trong hệ thống đào tạo chuyển đổi nghề và đào tạo nâng cao công chức của chính quyền liên bang và khu vực. Các giáo sư từ Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan và các nước khác bắt đầu tham gia giảng dạy tại Học viện. Sinh viên và thực tập sinh có cơ hội nhận cùng với bằng tốt nghiệp của nhà nước Nga, bằng tốt nghiệp của trường đại học nước ngoài.

1996 - các chương trình giáo dục chuyên nghiệp đại học và sau đại học được mở tại Học viện.

Năm 1997 - bắt đầu thực hiện Chương trình Nhà nước về Đào tạo cán bộ quản lý (Chương trình Tổng thống). Mục tiêu chiến lược của Chương trình Tổng thống là nâng cao chất lượng quản lý tại các doanh nghiệp trong nước lên tầm quốc tế.

1999 - thời điểm bắt đầu thử nghiệm cấp nhà nước về việc giới thiệu hệ đào tạo MBA ở Nga, do Học viện khởi xướng. Kể từ thời điểm đó, theo Lệnh của Bộ Giáo dục Liên bang Nga số 1008 ngày 29 tháng 11 năm 1999, việc chuẩn bị cho sinh viên theo học chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh - MBA bắt đầu tại Nga.

2001 - ra mắt chương trình DBA (Doctor of Business Administration - Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh) đầu tiên ở Nga - một chương trình giáo dục kinh tế sau đại học kéo dài từ 1 đến 5 năm, bao gồm kiến ​​thức bổ sung về các ngành kinh tế ứng dụng. Bằng cấp này cho phép người sở hữu đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp cao.

2002 - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Kinh tế, Vladimir Aleksandrovich Mau, Nhà kinh tế công huân Liên bang Nga trở thành Hiệu trưởng Học viện Kinh tế Quốc dân.

2004 - Phòng Phát triển hợp tác Quốc tế được tổ chức trong khuôn khổ của Học viện. Nhiệm vụ chính của nó là làm việc với các sinh viên từ Hoa Kỳ và Châu Âu đến các chương trình đại học và sau đại học ngắn hạn. Học viện tiếp nhận sinh viên đến từ Stanford, Harvard, Princeton và các trường đại học khác của Mỹ.

Học viện tham gia vào việc đào tạo các cán bộ lãnh đạo kinh tế cao cấp, cũng như các chuyên gia quản lý hàng đầu. Trong năm 2004-2005, học viện bao gồm hơn 20 bộ phận, trong đó có 15 khoa, với hơn 6,5 nghìn sinh viên theo học.

2005 - Học viện bắt đầu thành lập Hệ thống đào tạo nhân sự, hỗ trợ và duy trì các cơ quan tự quản địa phương (hình thức tổ chức chính quyền địa phương tại Nga). Mục đích của việc tạo ra Hệ thống là để đảm bảo quá trình đào tạo liên tục và đào tạo nâng cao nhân sự của các cơ quan tự quản địa phương.

2007 - Học viện Kinh tế Quốc dân chiến thắng trong cuộc thi dành cho các cơ sở giáo dục đào tạo đại học chuyên nghiệp trong lĩnh vực giới thiệu các chương trình giáo dục đổi mới.

2010 - nay: Hợp nhất thành Học viện Hành chính Công và Kinh tế Quốc dân Nga

Ngày 20 tháng 9 năm 2010, Học viện Kinh tế Quốc dân thuộc Chính phủ Liên bang Nga được tổ chức lại thành Học viện  Hành chính Công và Kinh tế Quốc dân Nga trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA) bằng việc sáp nhập vào Học viện Hành chính Nga trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga cùng 12 cơ sở giáo dục nhà nước liên bang khác là:

  • Học viện Hành chính Volgo-Vyatka,
  • Học viện Hành chính Volgograd,
  • Học viện Hành chính Viễn Đông,
  • Học viện Hành chính Khu vực Oryol,
  • Học viện Hành chính Vùng Volga mang tên P. A. Stolypin,
  • Học viện Hành chính Tây Bắc,
  • Học viện Hành chính Bắc Caucasus,
  • Học viện Hành chính Siberi,
  • Học viện Hành chính Ural,
  • Học viện Hành chính Nhà nước và Chính quyền địa phương Mátxcơva,
  • Học viện bổ túc văn bằng cho Cán bộ Công chức,
  • Viện Quản lý Nhà nước và Chính quyền địa phương Primorsky (vùng Duyên hải) .

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Học_viện_Hành_chính_Công_và_Kinh_tế_Quốc_dân_Nga http://basetop.ru/narodnyiy-reyting-biznes-shkol-r... http://www.forbes.ru/karera-i-svoy-biznes/363583-i... http://www.kommersant.ru/doc/3102073 http://kremlin.ru/acts/bank/31757 http://indicators.miccedu.ru/monitoring/_vpo/inst.... http://raexpert.ru/rankings/vuz/vuz_2016/ http://www.raexpert.ru/rankingtable/university/rep... http://www.raexpert.ru/rankingtable/university/rep... http://igsu.ranepa.ru/news/p141795/ http://www.ranepa.ru/sobytiya/novosti/ranhigs-polu...